04/12/2014 16:37

Tọa đàm: Chủ đề - Làm thế nào để Nhân viên hiểu Sếp và Sếp hiểu Nhân viên?

Tiếp nối chủ đề "Làm thế nào để Nhân viên hiểu Sếp và Sếp hiểu Nhân viên" đầu tiên, phần 2 của chủ đề trên đã được diễn ra vô cùng thú vị và bổ ích vào sáng thứ 7 (15/12/2012) tại Hội sở VCCorp. Với chủ đề của phần 2 "Làm thế nào để Sếp hiểu Nhân viên?", không ít các Leader tại các bộ phận đã tạm gác công việc vào sáng thứ 7 tới tham gia với mong muốn thấu hiểu hơn nhân viên của mình. Với vai trò quen thuộc, Sếp Vương Vũ Thắng - Tổng Giám đốc VCCorp, một lần nữa đã giúp các thành viên tham gia buổi tọa đàm hiểu sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Sếp và Nhân viên trong môi trường công sở.

Sếp Thắng đã chỉ ra: Mấu chốt để có thể lãnh đạo tốt, người lãnh đạo phải có động lực hiểu nhân viên và đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của nhân viên đó dựa trên khía cạnh công việc.

"Điều này không chỉ nhìn một lần, mà sau một thời gian làm việc, người nhân viên có thể thay đổi. Có những cái trước kia mình nghĩ người ta mạnh lại không mạnh như mình nghĩ. Ngược lại, có những lĩnh vực người ta yếu mình phải có cách giao việc mới. Thực hành thường xuyên thói quen này, khi nhân viên có dấu hiệu đổi khác, cấp trên sẽ biết ngay và cất nhắc họ vào vị trí công việc phù hợp" - Sếp Thắng cho biết. Sếp Thắng cũng tiết lộ, ở VC có đặc điểm là cất nhắc những người trẻ lên làm Sếp rất nhanh vì lãnh đạo có thói quen làm việc kiểu này và đã hình thành nên nét văn hóa ở Công ty.

 

Sếp Thắng đã gỡ rối nhiều trăn trở của các Leader các bộ phận
Sếp Thắng đã gỡ rối nhiều trăn trở của các Leader các bộ phận

 

"Gạn đục khơi trong" hay "gạn trong khơi đục"?

"Nhìn chung, trong công việc nhà lãnh đạo cần chú trọng đến điểm mạnh nhiều hơn điểm yếu để "gạn đục khơi trong" người nhân viên. Nếu "gạn trong khơi đục" thì không làm việc được. Thực tế, có nhiều người sống kiểu như vậy. Điều đó khiến nhân viên cảm thấy khó chịu, còn bản thân nhà lãnh đạo có khi khó chịu cả đời với người nhân viên đó, họ không còn thấy điểm sáng nơi nhân viên nữa nên hiếm khi tin tưởng giao việc. Ngược lại, "gạn đục khơi trong" là hiểu điểm yếu và điểm sáng của nhân viên để thử năng lực của họ" - Sếp Thắng nói.

Lý luận chỉ có vậy, còn thực tế liệu mỗi nhà lãnh đạo có thể biến những điều này thành sự thật hay không cần có động lực mạnh mẽ trong quá trình hiểu nhân viên. Muốn nâng tầm bản thân, trước hết phải nâng tầm những người xung quanh. Đó cũng là nguyên tắc của nhà Phật. Những ai muốn tiếp tục tăng trưởng, hãy nâng tầm mình lên bằng cách giúp nhân viên mình thành công. Một vị sếp thông minh phải biết nâng tầm nhân viên dần dần.

Đoàn Trang

Công ty Cổ phần VCCorp