21/11/2012 00:00

Sếp VC: Công việc số 1, thể diện số 2 - VCers dùng công việc để được lòng nhau

"Chẳng vị Sếp nào có thời gian chỉ bảo mình từng chút một. Việc đó chỉ khiến Sếp mất thời gian, mệt mỏi và lòng tin của Sếp về năng lực của mình bị suy giảm...". Những suy nghĩ hết sức sai lầm như vậy lại thường phổ biến trong giới nhân viên.

Tại buổi tọa đàm "Làm thế nào để Nhân viên hiểu Sếp và Sếp hiểu Nhân viên?" diễn ra hôm 16/11, tại Hội trường lớn, tầng 17, Tòa nhà VTC Online, 18 Tam Trinh, Sếp Vương Vũ Thắng - Tổng Giám đốc VC Corp và gần 100 nhân viên Công ty đã thẳng thắn chia sẻ những quan điểm cá nhân, cùng nhau mổ xẻ từng góc khuất, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để nối gần khoảng cách giữa Sếp và nhân viên.

Gần 100 CBNV VC đang chăm chú theo dõi buổi Tọa đàm

Bạn hiểu Sếp bao nhiêu?

Nếu lấy thang điểm là 10 cho sự hiểu Sếp trên khía cạnh công việc, phần lớn người tham gia thú nhận chỉ hiểu lãnh đạo 5-6 điểm, tức là Sếp nói 2 câu, mình hiểu một câu hoặc hiểu lơ mơ, đoán ý Sếp. Mà theo anh Thắng, để thành công, nhân viên phải hiểu Sếp ít nhất 8 điểm. Vậy tại sao nhân viên lại không hiểu Sếp?

Khi được hỏi về lý do, rất nhiều quan điểm trùng nhau khi cho rằng, khi được giao việc, bản thân thấy ngại hỏi lại khi Sếp đang bận vì sợ lấy mất nhiều thời gian của Sếp... Cũng có vài ba ý kiến lo ngại bị Sếp cười chê, bị đánh giá thấp.

 

Những cánh tay giơ lên khi được hỏi về việc hiểu sếp mình được bao nhiêu?

Những cánh tay giơ lên khi được hỏi về việc hiểu sếp mình được bao nhiêu?

Về điều này, anh Thắng bày tỏ quan điểm: "Khi đặt công việc lên trên, mình sẽ suy nghĩ điều cuối cùng ngồi ở Công ty là để đạt được kết quả công việc. Nếu thấy công việc có nguy cơ không đạt kết quả, ta tìm mọi cách để giải quyết, trong đó có một cách rất đơn giản là hỏi lại Sếp. Ở VC mình có một nét văn hóa rõ ràng là ngồi với nhau vì công việc, mình làm ra những cái hay thì mình ngồi với nhau. Thành ra, khi một người sợ hỏi lại Sếp và để hỏng việc, thì đấy mới là điều tồi tệ. Nếu nhân viên làm hỏng vì trình độ kém còn đỡ, còn làm hỏng chỉ vì sợ Sếp thì trên cương vị làm Sếp, anh đánh giá người này rất thấp", anh Thắng chia sẻ.

Công việc là số 1, thể diện là số 2:

Đối với giới lãnh đạo ở nhiều Công ty lớn nói chung và ở VC nói riêng, mỗi  người cần vì công việc để đạt được hiệu quả cao nhất. Nói như anh Thắng, "Công việc là số 1, thể diện là số 2", bởi điều đó thể hiện sự cam kết với công việc, làm nó thành công.

"Một trong những điều cần hiểu Sếp là Sếp cần công việc được hoàn thành. Khi hiểu cách nghĩ của Sếp, mọi người đừng ngại rào cản đấy. Nếu nghĩ được thể diện là số 2, công việc là số 1, mọi người sẽ rất hợp với những người như anh và anh Tân. Sau đó tới các Leaders khác nữa", anh Thắng nói thêm.

Về phần mình, chị My - Đồng Giám đốc Khối Admicro, cho biết: "Nếu nhân viên không hỏi, làm sai đương nhiên bị ăn mắng trước đã. Có thể nếu không hỏi mà làm đúng hơn kỳ vọng, lúc đó mình sẽ hiểu rằng bạn ấy rất thông minh. Nhưng thường thì không hỏi sẽ không làm đúng".

Còn anh Tuấn - Đồng Giám đốc Khối TMĐT chia sẻ: "Mình đánh giá cao những bạn vừa làm vừa trao đổi trực tiếp với Sếp. Mình nhận thấy những bạn trong quá trình làm việc trao đổi liên tục thường tiến bộ rất nhanh. Còn trong quá trình làm, nhiều khi sốt ruột mình cũng là người chủ động hỏi nhân viên để rút ngắn thời gian thực hiện, mang lại kết quả cao cho công việc. Bản thân mình cũng là người gợi chuyện, thể hiện sự quan tâm để giúp nhân viên vượt qua những mặc cảm, sợ hãi,..."

Nhân viên không có quyền chọn Sếp

Như vậy, hiểu Sếp là điều tối quan trọng giúp mỗi nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Và để hiểu Sếp, mỗi người cần xuất phát từ động lực đầu tiên là muốn hiểu Sếp.

"Có động lực đó, bởi mình hiểu rằng để kết quả công việc cuối cùng là tốt nhất, mình phải hiểu ông Sếp muốn gì. Nếu hiểu được như vậy, những rào cản như sỹ diện bản thân, Sếp đang bận rộn mình sẽ "phá" đi hết", anh Thắng khẳng định.

Mọi người chăm chú lắng nghe những điều Sếp Thắng truyền đạt và chia sẻ

Mọi người chăm chú lắng nghe những điều Sếp Thắng truyền đạt và chia sẻ

Trên cương vị là người đứng đầu, lãnh đạo công ty nhưng bản thân Sếp Thắng cũng là "nhân viên" trước Hội đồng quản trị. Tại buổi tọa đàm Sếp Thắng đã chia sẻ cách phá đi rào cản để hiểu Lãnh đạo của mình trong thời gian đầu làm việc với anh Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, đơn vị đã từng đầu tư vào VCCorp. Mặc dù anh Vượng rất bận rộn và thường chỉ có thời gian 3, 5 phút cho mỗi đơn vị báo cáo. Nhận thấy với lượng thời gian như vậy là quá ít để trình bày hết ý, anh Thắng đã bỏ thời gian cả tiếng đồ hồ chỉ để chờ Sếp Vượng ở hành lang, nhân lúc anh Vương nghỉ giữa giờ và tận dụng thêm vài phút quý báu để trình bày cho chọn ý kiến đã nêu ra.... anh Thắng chia sẻ: "Anh không quan tâm anh Vượng đánh giá mình đeo bám hay lẽo đẽo theo anh ấy, việc của anh là phải làm cho xong việc".

Sếp đánh giá nhân viên không làm được việc thì đó mới là thất bại lớn nhất của nhân viên.

So với chuyện làm hỏng việc, việc bị đánh giá sai nhỏ hơn nhiều. Nếu Sếp đánh giá nhân viên không làm được việc thì đó là thất bại lớn nhất của nhân viên.

Như vậy, động lực làm Sếp hiểu mình và mình hiểu Sếp là quan trọng nhất trong các câu chuyện, quan trọng hơn cả kỹ năng. Thế nhưng, "làm thế nào" không quan trọng bằng động lực làm việc. Động lực quan trọng hơn cách làm.

Kỹ năng kém, động lực tốt vẫn thành công

Từ những trải nghiệm bản thân và minh họa bằng những câu chuyện sinh động từ chính những nhân viên có mặt tại buổi tọa đàm, anh Thắng đi đến khẳng định: "Kỹ năng kém, động lực tốt vẫn thành công".

Do vậy, anh Thắng khuyên mỗi nhân viên phải nỗ lực lớn để hiểu lãnh đạo mới có thể thành công. Tạitọa đàm, anh Thắng có tiết lộ một sự thật khá "bất công" ở VC là: "Sếp có quyền không hiểu nhân viên, nhưng nhân viên không có quyền không hiểu Sếp". Còn nữa, nhân viên VC dùng công việc để được lòng nhau, chứ không phải quà cáp".

Sếp Thắng cho biết: Tết các năm anh đều không có nhân viên nào đến nhà, còn có bạn làm việc dưới quyền anh Tân kể những năm đầu chưa biết chuyện này, ngày Tết bạn đến nhà thì được báo là sếp đi vắng, sau về rồi điện thoại bạn mới biết sếp vẫn đang ngồi trong nhà. Ngay cả 2 Sếp trong Ban Lãnh Đạo, hơn 6 năm làm việc với nhau còn chưa bao giờ đến nhà nhau chúc tết, để các anh có thể trọn vẹn nghỉ tết bên người thân và gia đình mà không hề câu nệ việc đi thăm nom tết nhất hay anh Tuấn - Leader TMĐT cũng không biết nhà Sếp Thắng ở đâu.

Việc của mỗi VCers là vứt bỏ "cái tôi", thể diện bản thân để tạo ra các giá trị.

Do thời lượng chương trình có hạn (chưa đầy 2 giờ đồng hồ), Sếp và các VCers đã bóc tách được một vế của vấn đề, đó là "Làm thế nào để Nhân viên hiểu Sếp". Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất đối với doanh nghiệp sở hữu hơn 1.500 nhân viên như ở VC. Vế thứ 2 "Làm thế nào để Sếp hiểu Nhân viên" sẽ được đề cập trong buổi Tọa đàm tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra sớm nhất có thể trong thời gian tới.

Sau buổi tọa đàm, hẳn nhiên nhiều người sẽ hiểu được tư tưởng quan trọng nhất của lãnh đạo VC, từ đó có cơ hội "khoe" được những khả năng vốn có của mình, giúp bản thân chủ động trong công việc và góp phần đưa con thuyền VC Corp đến bến bờ thành công.

Tân Hoa 

Công ty Cổ phần VCCorp