VĂN HÓA ĐẬM CHẤT VCCORP
Là một Công ty chủ yếu làm về sáng tạo, hẳn nhiên sẽ có một đội ngũ nhân viên không bao giờ chịu thua trong việc thích tư duy về những thứ mới mẻ, thích sự khác lạ. Và điều ấy đã hình thành nên một thứ “văn hóa” không giống ở bất cứ đâu, không lẫn lộn hay pha tạp, mà nó cũng sáng tạo, dị biệt như chính cái tôi đa dạng của những người ở đây. "Văn hóa VC" – cụm từ nghe có vẻ xa xỉ, tuy chẳng ai có thể định nghĩa hay đúc kết thành cẩm nang "văn hóa doanh nghiệp", nhưng người VC vẫn cảm nhận được những nét rất đặc trưng, chỉ VC mới có. Hơn 2000 người VCvà rất nhiều những thế hệ trước đã góp phần tạo nên những nét rất riêng mà chỉ ở đây người ta mới cảm nhận được rõ ràng.
Tháng 6/2017, Mõ Làng hay được thành lập, với mục tiêu xây dựng Văn hóa VCCorp một cách có hệ thống hơn, bài bản hơn và chuyên nghiệp hơn. Từ khi được ra mắt, Mõ làng tạo ra nhiều dấu ấn mạnh mẽ không chỉ trong nội bộ VCCorp mà còn lan tỏa mạnh mẽ ra bên ngoài bởi những sự kiện, những chiến dịch và hoạt động đình đám với sự đầu tư về ý tưởng, sự sáng tạo trong cách làm. Văn hóa VC đã không còn đứng trong một phạm vi nhỏ nữa, không chỉ dành riêng cho các “khán giả” là người VC nữa, mà còn có những “khán giả ngoài” – những người biết đến VCCorp bằng những sự kiện, bằng độ đầu tư hay chịu chơi. Dần dà, VCCorp đã trở thành một môi trường lý tưởng, xứng đáng để làm việc, trở thành một điểm đến thu hút và hấp dẫn của những người trẻ, có năng lực, có óc sáng tạo và muốn hòa mình vào văn hóa đậm chất khác biệt ở đây. Hàng loạt các sự kiện lớn, gây được tiếng vang rộng rãi như: Hoa khôi VCCorp; show Bạn muốn hẹn hò; chuỗi chương trình nâng cao tinh thần làm việc VitaMonday, Các sự kiện mừng sinh nhật VCCorp như: Mười + Một, Hội thao VC Olympic, VC School; Các sự kiện giải bóng đá chuyên nghiệp như VC Cup, Các sự kiện Tiệc cuối năm (Year End Party)…
Để thỏa mãn nhu cầu “luôn được ăn món mới” của người VC, Mõ Làng liên tục thực hiện những concept mới lạ, sử dụng những chất liệu và thổi hồn vào những thông điệp, câu chuyện chứ không đơn thuần là chỉ làm một sự kiện hay một hoạt động văn hóa. Chính vì vậy nên người VC luôn có những trải nghiệm mới mẻ, luôn được “ăn” những món ăn tinh thần và tự hào là “không hề tầm thường”. Văn hóa VC lắng nghe những gì người VC muốn, không theo định hướng sếp, không tuyên truyền ra giảng những chiến lược hay mục tiêu to lớn, các sếp ở VC chỉ mong muốn “Mõ Làng làm ra những thứ mà anh em vui là được, cảm thấy hứng thú là được!”. Chính vì thế nên Mõ Làng thực sự là một thương hiệu mang tiếng nói chân thực nhất của người VC, với khát khao và sự “điên rồ” của người VC, tuy nhiên vẫn có chiều sâu tinh thần của một Công ty đã có bề dày lịch sử - và chính chiều sâu ấy khiến cho mỗi người VC đều cảm thấy tự hào.
Sáng tạo, chủ động, tạm ứng niềm tin, luôn thay đổi để tạo ra những giá trị đích thực tốt hơn cho cộng đồng là sự tổng quan của nét văn hóa đặc trưng mang cốt cách và linh hồn của người VCCorp nhiều thế hệ. Nét văn hóa ấy thể hiện ở mọi sản phẩm, mọi sức sáng tạo mạnh mẽ như vậy là bởi mỗi VCer đều có niềm đam mê với công việc. “Nếu bạn đặt giàu có, sang trọng lên trên hết, hãy đến với FPT/VTC/Vinagame; nếu bạn muốn lập các chiến công, tạo ra các kỳ tích hoành tráng, hãy tới Viettel. Nhưng nếu muốn sáng tạo, đam mê, chủ động và làm ra những sản phẩm được hàng triệu người sử dụng yêu thích, hãy đến với VCC”. Anh Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp đã từng viết như vậy trong bài báo so sánh VC với các công ty khác tại Việt Nam.